Kinh nghiệm marketing: Quảng cáo 2.0

Post date: Dec 4, 2010 2:23:44 AM

Những cửa hàng thời trang cao cấp, các tòa nhà mua sắm sang trọng đang trang trí lễ hội cuối năm kiểu 2.0.

Năm nay, những cửa kính được sơn vẽ bông tuyết khổng lồ không còn đủ bắt mắt trên các đại lộ của New York phồn hoa. Thay vào đó, các cửa tiệm thuê máy chiếu 3-D cảnh bông tuyết rơi từ tầng cao, kết hợp với bong bóng đầy màu sắc và máy phà hơi lạnh…

Nhiều cửa hàng và trung tâm mua sắm New York đang cạnh tranh với nhau để thêm hiệu ứng đặc biệt kỹ thuật cao vào giàn trang trí trước cửa. Mục tiêu là thu hút sự chú ý của những khách hàng hiện đại đã quen với hiệu ứng tương tác phức tạp của điện thoại di động thông minh và trò chơi điện tử thế hệ mới.

Ở một số nơi, người qua đường còn có thể phóng tên lửa kỹ thuật số trên màn hình TV plasma hoặc điều khiển robot khiêu vũ. Ngoài ra còn có chương trình nhận diện gương mặt, giúp người nhìn vào màn hình thấy hình ảnh của mình sẽ “biến đổi” như thế nào nếu là “một người ngoài hành tinh thân thiện”.

Năm 2009, Macy’s đã kết hợp với công ty PRG để dựng cảnh như trong phim “Yes, Virginia”, câu chuyện về những thắc mắc của một bé gái xoay quanh sự tồn tại của ông già Noel. Năm nay, họ sẽ đầu tư càng nhiều để tạo thiết kế gây chấn động. Bởi vì theo thống kê, vào mùa lễ hội cuối năm thế này, mỗi giờ có khoảng 7.000 người đi ngang nhìn thấy cửa tiệm nên, mọi toàn nhà và trung tâm mua sắm đều nỗ lực hết mình để thu hút sự chú ý của khách mua hàng. Họ muốn khách hàng phải trầm trồ ngạc nhiên trước những hiệu ứng ký thuật hiện đại, nên cải tiến kỹ thuật hàng năm là điều tất yếu.

Và trong thời đại mới, thì càng ngày càng khó kéo người tiêu dùng rời khỏi máy vi tính và website mua hàng trên mạng đến xem hàng tại tiệm. Vậy nên, các trung tâm mua sắm càng phải bỏ nhiều tiền của và công sức để làm nổi bật mình.

Macy’s sẽ cần 1.700 tấm giấy màu, 14 họa sĩ vẽ trên giấy dùng 7.084 tiếng đồng hồ để xây dựng công trình, 4 thợ mộc, 6 thợ điện, 5.500kg thép, 25 gallon hồ dán và 3.500 tiếng đồng hồ thời gian thiết kế.

Theo quyển sách "Windows at Bergdorf Goodman" viết về hiệu bán lẻ Berdorf Goodman, thì tiệm chi 60% ngân sách trang trí cửa tiệm hàng năm cho dịp lễ hội cuối năm, và có thể tốn đến 3 năm lập kế hoạch. Năm nay, tiệm có chủ đề thuyền cổ. Khách đến mua hàng sẽ dùng điện thoại di động thông minh để scan mật mã trên cửa sổ tiệm và tìm đường đến kho báu quà tặng.

Điều đáng ngạc nhiên là những kỹ thuật phức tạp hiện đại không tốn nhiều tiền lắm. Theo Saks thì máy chiếu mới còn tiết kiệm hơn dùng đèn và bông tuyết sáng lấp lánh chạy điện ngày xưa.

Tuy nhiên, hiểm họa từ những cửa kính kỹ thuật cao cũng có thể xảy ra. Hệ thống vận hành bằng máy vi tính có thể bị lỗi. Thử thách của Macy’s năm nay là kết hợp dùng cả cơ, điện, máy, giấy.

Thêm một điều đáng quan tâm nữa là vị trí đặt máy móc. Ví dụ máy chiếu của Saks ở trên cao, liệu có đủ sức chống chọi nếu gió tuyết New York ở cường độ mạnh?

Tuy hiệu ứng kỹ thuật số hiện đại rất kỳ thú, nhưng một số cửa tiệm vẫn kiên quyết đứng tách ngoài cuộc chơi, như Barneys New York. “Kỹ thuật mới rất thú vị, nhưng phải bảo đảm không biến thành trò hề nhảm nhí. Người tiêu dùng sẽ nhìn rõ thực hư cái gì cần”, Giám đốc Sáng tạo Simon Doonan tự tin phát biểu…

Dù được hiện đại hóa hay không, việc trang trí cửa kính của những tiệm bán lẻ có truyền thống từ cuối thế kỷ 19, từ khi họ bắt đầu lắp những tấm kính lớn thay tường gạch để khoe hàng hóa bày bán bên trong. Và tại New York, những trang trí rực rỡ trước cửa tiệm dần trở thành điểm giải trí lý tưởng miễn phí cho các gia đình vào dịp lễ hội hàng năm.

Nguồn:  DNSG