Năm tuyệt chiêu tăng giá đồ uống và thức ăn nhưng vẫn khiến khách hàng mỉm cười

Post date: Jun 7, 2018 3:26:12 AM

Việc tăng giá đồ uống trong khi đang kinh doanh là một việc khá nhạy cảm và luôn khiến các chủ quán đau đầu. Giá cao thì sẽ khó ăn nói với khách nhưng không tăng thì sẽ khiến việc kinh doanh trở nên chật vật. Tuy khó nhưng không phải không có cách để toàn vẹn cả đôi bên. Chỉ cần thực hiện những chiêu thức sau, khách hàng vẫn sẽ mỉm cười khi bạn thông báo “Cửa hàng chúng tôi sẽ tăng giá”.

1. Làm rõ nguyên nhân tăng giá để tránh tạo ra những tin đồn thất thiệt

Khi muốn tăng giá đồ uống hay thức ăn, điều quan trọng là phải làm rõ nguyên nhân của việc này cho khách hàng. Nhiều người cho rằng là cửa hàng ăn uống thì sự thay đổi đó sẽ chẳng ai quan tâm. Tuy nhiên hãy thử đặt vào vị trị là người mua, bạn sẽ làm gì khi giá cả một quán cà phê quen thuộc tăng một cách vô tội vạ? Ngày nay không thiếu những nơi bán đồ uống chất lượng và dịch vụ tuyệt vời. Do đó nếu không có lời giải thích hợp lý thì chẳng mấy chốc mà khách hàng cũng bỏ đi.

Đa số chủ quán đều khá sợ đề cập đến việc này và cố tìm cách lấp liếm bằng các hoạt động phô trương, tung ra sản phẩm mới…hy vọng thực khách đến sẽ không để ý. Nhưng với cách làm này, khách hàng sẽ cảm thấy bị lừa gạt khi phát hiện ra. Tất nhiên bạn cũng đã biết hậu quả là gì.

Bởi vậy khi tăng giá đồ uống, thông qua các kênh truyền thông như offline hay social media, hãy nói cho khách hàng biết lí do của việc này là gì với một thái độ tích cực, không đổ lỗi và cho khách hàng thấy tại sao tăng giá là hợp lý và công bằng. Chẳng hạn như nhà hàng của bạn sẽ chuyển qua sử dụng loại thịt bò nhập khẩu từ Úc, hay rau tươi ngon từ những vùng nông trại đạt chuẩn của Lâm Đồng…nên buộc phải tăng giá sản phẩm. Theo các chuyên gia bán hàng, việc đổ lỗi giá nguyên vật liệu lên cao do xăng dầu tăng nghe có vẻ xuôi tai, nhưng nó không phải là một chiến lược tốt về lâu dài.

2. Lựa chọn đúng thời điểm

Người ta vẫn có câu nói thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Việc thay đổi giá cũng vậy. Thời điểm do người quản lý quyết định nhưng nên lựa chọn lúc phù hợp để khách hàng dễ dàng chấp nhận nhất.

Thông thường vào mùa vụ, các dịp lễ tết như 14/2, 8/3, 20/10… hay giai đoạn tăng trưởng, chu kỳ kinh doanh là những giai đoạn lý tưởng để tăng giá đồ uống và thức ăn mà khách hàng rất ít khi phản đối. Bởi lẽ ai cũng chấp nhận đó như một điều hiển nhiên. Khi lễ tết hay mở rộng mô hình kinh doanh, thêm chi nhánh, quán ắt hẳn sẽ phải đầu tư thêm nhiều chi phí hoặc chi phí nguyên vật liệu cao hơn lúc trước nên giá bán theo đó cũng tăng lên đôi phần.

3. Luôn duy trì nguyên tắc: giá cả tương đương với giá trị

Đúng là đa số khách hàng rất nhạy cảm về giá, nhưng không phải ai cũng chỉ căn cứ vào yếu tố đó để quyết định mua hàng. Thực tế cho thấy rằng nhiều khách hàng vẫn sẽ gắn bó với nhà hàng, quán cà phê của bạn nếu họ đánh giá cao chất lượng đồ ăn thức uống và dich vụ ở đó. Do đó, hãy thường xuyên nhắc nhở với khách hàng về những giá trị mà thương hiệu đã và đang đem lại để tạo điều kiện dễ dàng hơn khi muốn tăng giá đồ uống.

Có chuyên gia đã từng phát biểu rằng: “Truyền đạt giá trị cốt lõi của sản phẩm trong thông báo tăng giá đồ uống hay thức ăn và hãy đảm bảo rằng họ sẽ nhớ đến các yếu tố độc đáo mà bạn đem lại cho khách hàng hơn là đối thủ cạnh tranh”. Tuy nhiên để khách hàng sẵn sàng tin vào điều đó thì chắc chắn quán cà phê của bạn phải có được những sản phẩm khiến họ hài lòng. Bằng không, khi giá cả họ bỏ ra và giá trị nhận lại không tương xứng thì không một ai chấp nhận dù trong bất cứ trường hợp nào.

Ví dụ cửa hàng trà sữa muốn đạt được lợi nhuận cao hơn nên ly nước trước đây bán với giá 30.000 bây giờ sẽ được tăng lên 45.000. Nhận thấy việc này sẽ khiến cửa hàng mất khách vì không có một lý do chính đáng nên họ đã âm thầm bớt đi các loại topping, bột trà và sữa. Nhưng khách hàng đã nhanh chóng nhận ra bởi hương vị đã không còn như trước. Cũng không có gì khó hiểu khi lượng khách giảm đi đáng kể và tìm đến cửa hàng của đối thủ cạnh tranh.

Vừa tăng giá trị vừa tăng giá đồ uống là một trong những cách dễ thuyết phục khách hàng nhất. Bởi họ sẽ hiểu bạn đang nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình và người cuối cùng được hưởng lợi chính là họ.

4. Tặng quà cho khách hàng khi mua sản phẩm đó

Thêm một tuyệt chiêu khác hay được chủ nhà hàng và quán cà phê áp dụng là tăng giá đồ uống, thức ăn kết hợp với tặng quà, khuyến mãi cho thực khách. Tặng kèm một món bánh ngọt, một phần quà lưu niệm hay voucher giảm giá cho hóa đơn sau là cách “đánh trống lãng” để khách hàng không quá chú ý đến việc giá đồ uống tăng lên so với trước đây.

Cùng là một ly cà phê với chất lượng hay số lượng không có gì thay đổi nhưng phải bỏ ra nhiều tiền hơn chắc chắn khách hàng sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng khi được nhận thêm một ưu đãi hay bất kì dịch vụ nào kèm theo thì họ sẽ cảm thấy việc tăng giá dễ chấp nhận và cảm giác như đang nhận được nhiều hơn những gì đã có trước đây.

5. Làm “công tác tư tưởng” cho khách hàng trước khi tăng giá đồ uống và thức ăn

Trước khi thông báo việc tăng giá đồ uống, thức ăn đến khách hàng, việc đầu tiên cần làm là người quản lý hay chủ quán phải phổ biến tin tức này đến tất cả nhân viên. Đặc biệt là nhân viên order và thu ngân, những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng để họ có khả năng truyền đạt chính xác nhất về nguyên nhân sự thay đổi đến những người gọi món.

Thậm chí, đối với những nhà hàng hay quán cà phê chuyên nghiệp, họ còn tổ chức những buổi đào tạo một số tình huống và phản ứng của khách hàng về sự việc này để họ có thể diễn đạt trôi chảy nguyên nhân tăng giá.

Việc tiếp theo là chuẩn bị một thông báo tăng giá đồ uống ngắn gọn và đăng trên các phương tiện truyền thông như website, facebook, instagram,… Quan trọng là việc này cần được thực hiện trước khi chính thức có hiệu lực vài ngày. Mọi người thường có tâm lí khó chịu về những điều đang diễn ra hơn là một việc tiêu cực sẽ xảy ra trong tương lai nên hãy cho họ thời gian để thích ứng và bàn luận.

Chắc chắn sẽ có nhiều thắc mắc và câu hỏi xoay quanh về vấn đề này do đó những người quản lý fanpage cần chuẩn bị sẵn các câu trả lời và tuyệt đối không được “bỏ rơi” khách hàng. Họ sẽ cảm thấy chưa được tôn trọng, chưa kể đến nó sẽ tạo điều kiện cho người khác nhảy vào bình luận không đúng sự thật và thể hiện sự bất bình.

Truyền thông tuy không làm cho tất cả mọi người chấp nhận việc tăng giá đồ uống hay thức ăn nhưng ít nhất sẽ làm cho họ cảm thấy mình được tôn trọng và đối xử công bằng hơn.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!