Mười sai lầm thường gặp trong quản lý khách sạn mà các nhà quản lý nên biết

Post date: Nov 10, 2017 8:29:23 AM

1.Không giao tiếp

Với vai trò của một người quản lý, bạn phải biết cách giao tiếp với khách hàng, đối tác và nhân viên của mình để truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và tiếp nhận các thông tin phản hồi. Bởi thông tin chính là sức mạnh, là chìa khóa để đưa ra hướng xử lý cho mọi vấn đề.

2. Không lắng nghe

Một người quản lý biết cách lắng nghe sẽ hiểu được nhân viên của mình, nhu cầu cũng như mối quan tâm của họ. Khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra trong khách sạn, bạn cần phải lắng nghe thông tin đa chiều để biết được đâu là sự thật.

3.Không thực hiện các hoạt động TEAM-BUILDING

Các hoạt động Team-building chính là công cụ giúp tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong toàn thể nhân viên trong khách sạn, nhân viên của các bộ phận lại với nhau. Khi đã gắn bó và hiểu nhau hơn, các nhân viên sẽ tương tác tốt và hỗ trợ nhau ăn ý trong công việc.

4.Không tạo động lực làm việc cho nhân viên

Những khách sạn có chính sách khen thưởng hấp dẫn luôn là nguồn động lực giúp cho nhân viên phấn đấu làm việc tốt hơn. Khi những cố gắng, cống hiến của cá nhân, tập thể được ghi nhận thì nhân viên sẽ nỗ lực làm việc để đạt được những kết quả tốt hơn nữa. Và khi nhân viên làm việc tốt và trung thành thì chính khách sạn sẽ được hưởng lợi.

5.Không giải thích rõ các nhiệm vụ cá nhân

Mỗi nhân viên khách sạn đều cần biết rõ nhiệm vụ của họ và bộ phận là gì, có tầm quan trọng như thế nào và đóng góp ra sao vào kế hoạch tổng thể chung của khách sạn

6.Không thiết lập mục tiêu

Muốn hoạt động quản lý hiệu quả, người quản lý khách sạn cần phải thiết lập các mục tiêu rõ ràng. Bạn cần phải thảo luận với các thành viên trong bộ phận hay đại diện các bộ phận trong khách sạn để thiết lập các mục tiêu cụ thể, để định hướng các hoạt động thực hiện sao cho nó có hiệu quả nhất.

7.Không trao quyền cho nhân viên

Một người quản lý khó có thể hoàn thành mọi công việc nếu không biết cách trao quyền cho nhân viên cấp dưới. Việc trao quyền một cách hợp lý sẽ giúp nhân viên phát huy khả năng và kỹ năng lãnh đạo của họ, từ đó giúp hình thành nên một đội ngũ kế cận chất lượng

8.Không thích nghi với những thay đổi mới

Những thay đổi mới là xu hướng tất yếu của đời sống và nhiệm vụ của một người quản lý là phải đón đầu, nắm bắt và thích nghi được với những thay đổi đó. Do đó, dù ở vai trò là một người quản lý, bạn vẫn luôn cần phải học hỏi và thử nghiệm.

9.Không chịu trách nhiệm

Khi nhân viên mắc lỗi, bạn không thể quy hết và đổ tất cả lỗi là do nhân viên đó gây nên và bạn không liên quan gì. Là người đứng đầu một tập thể, bạn cần phải đứng ra nhận trách nhiệm với những gì xảy ra thuộc quyền quản lý của bạn.

10.Không tạo bầu không khí thoải mái khi làm việc

Công việc là điều cần phải làm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, người quản lý không nhất thiết lúc nào cũng dùng đến kỷ luật khiến cho bầu không khí làm việc thêm nặng nề. Một người quản lý giỏi sẽ biết cách tạo bầu không khí làm việc thoải mái cho nhân viên để giúp mang lại hiệu quả công việc tốt hơn.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.