Kinh nghiệm tiếp thị: Chiếc đũa thần hay phong cách quảng cáo mới (P.2)

Post date: Dec 1, 2010 3:14:15 AM

Với sự trợ giúp của các công ty quảng cáo, doanh nghiệp có thể tổ chức cả một chương trình gây ấn tượng cho công chúng với những buổi biểu diễn đặc sắc trên đường phố.

Mục tiêu chính của các hoạt động đó là thu hút sự chú ý và khơi gợi trí tò mò. Trước hết, một số nhân viên sẽ được phân công viết bài và giữ cho mạch tin tức luôn ổn định, nghĩa là phải liên tục nhắc đến sự kiện vừa xảy ra. Tuy nhiên, việc này chỉ nên thực hiện trong thời gian đầu (chỉ vài ngày) khi tổ chức sự kiện, sau đó đề tài này sẽ tự lan ra trong cộng đồng theo kiểu virus.

Tiếp thị theo kiểu virus

Có thể sử dụng khái niệm này để gọi lối gửi tin nhắn, hình ảnh, thư từ… - hay nói ngắn gọn là thư rác – qua điện thoại di động và Internet. Chiến lược này bị gán cho cái tên như vậy vì nó có khả năng lây lan không kém vi khuẩn là mấy: chỉ trong thời gian ngắn, nó đã làm cho một lượng lớn những người nhận và chuyển nó “nhiễm bệnh”. Về bản chất, chiến thuật virus được phát triển trên nền tảng tâm lý. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng có những loại thông tin khiến chúng ta có khuynh hướng muốn chia sẻ với người khác. “Virus” cũng có thể là các dịch vụ xuất sắc, sản phẩm mới lạ hay những hoạt động kêu gọi sự hưởng ứng, làm công chúng quan tâm và trở thành đề tài bàn luận.

Bất kể đó là loại virus gì, thì doanh nghiệp cũng cần phải biết cách phát tán sao cho nó có thể đạt được hiệu quả lớn nhất. Chẳng hạn như bạn nhận được e-mail của đồng nghiệp hay một địa chỉ trang web, bức tranh vui nhộn nào đó, bạn sẽ cảm thấy thích thú và mở ra ngay. Còn thư rác thì sao? Thay vì chỉ có những mẩu tin khô khan hay bức thư chào bán một món hàng vớ vẩn nào đó, thư rác bao giờ cũng biết ngụy trang dưới vỏ bọc là bức thư vô tình gửi nhầm địa chỉ. Ví dụ, khi cần đánh tiếng về việc có một cửa hàng đang bán hạ giá đồ điện tử gia dụng, người ta thường hay gửi đi những thông báo đại loại như: “Bạn thử tưởng tượng xem, tôi vừa mới mua chiếc máy rửa bát với giá chỉ bằng một nửa…”. Chắc chắn là sẽ có một tỷ lệ phần trăm nào đó những bức thư này sẽ bị hủy ngay lập tức, song vẫn có không ít người nhận sẽ đọc đến chữ cuối cùng và sau đó thật sự mua sắm món hàng đó.

Quảng cáo trên trần nhà

Lại thêm một kiểu quảng cáo lạ mắt: để thông tin xuất hiện ở những vị trí bất ngờ nhất. Bạn đã từng thấy tên công ty với cỡ chữ nhỏ tý xíu chạy giữa khoảng trắng giữa hai cột báo chưa? Hay tên công ty đặt giữa các luống hoa, ở đáy bể bơi, trên trần nhà, sau lưng ghế rạp hát hoặc thậm chí là vẽ lên mình các con vật?. Điều đó có nghĩa là bất cứ đâu, chỉ cần con người có thể nhìn thấy, thì sớm muộn gì ở đó cũng sẽ xuất hiện thông điệp quảng cáo.

Khuyết điểm

Có hai khuyết điểm mà bạn nên biết.

Thứ nhất, trong các chiến dịch quảng cáo này người ta rất khó đoán trước kết quả cuối cùng. Đơn giản là vì không hề tồn tại những chỉ số được xem là đủ độ tin cậy để “đo đếm” tính hiệu quả của chiến dịch.

Thứ hai, các chiến dịch quảng cáo có tính phá cách chỉ có tác dụng trong trường hợp chúng thật sự độc đáo, mới lạ và công chúng chưa hề gặp một chiến dịch quảng cáo nào tương tự như thế.

Làm thế nào để có một “sự khiêu khích hoàn hảo”? Để chương trình quảng cáo của bạn thật sự là “quả bom tấn” thì không chỉ một vài buổi tối động não là đủ.

Trước hết, thông điệp của cả chương trình phải mới lạ, không lặp lại hay theo lối mòn. Có thể dưới dạng bài hát hay cuốn sách tập đánh vần? Bạn hãy hỏi các cộng sự, nhóm sáng tạo rồi ghi lại bất cứ thông điệp hay đề tài nào chợt nảy ra trong đầu. Hãy nhớ lại tất cả những gì đã từng khiến cho bạn ngạc nhiên, thích thú. Đây có thể là những gợi ý cho bạn đấy. Thỉnh thoảng bạn hãy đóng vai “chú hề” để khuấy động bầu không khí và biến công ty thành rạp xiếc. Trong môi trường thân thiện và với tâm trạng thoải mái như thế, ý tưởng về một phong cách quảng cáo mới sẽ đến với bạn.

Như bạn thấy đấy, phong cách quảng cáo mới là mảnh đất màu mỡ để bạn mặc sức sáng tạo. Đừng chần chừ hay băn khoăn, bởi trong khi bạn còn lựa chọn các chiến lược quảng cáo thì đối thủ đã tiến rất xa rồi.

Xuân Hoàng (Theo Marketing Vietnam)