Kinh nghiệm marketing: Quan niệm sai về marketing của doanh nghiệp nhỏ

Post date: Dec 28, 2010 4:13:03 PM

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ thường quan tâm nhiều đến những khía cạnh kỹ thuật trong hoạt động marketing. Họ tham gia các cuộc hội thảo, đọc sách báo, làm việc với các chuyên gia tư vấn để tìm ra những kỹ thuật tốt nhất cho các hoạt động marketing của mình nhưng lại quên đi rằng điều quan trọng trước tiên là cần phải có một thái độ đúng đắn đối với marketing để định hướng cho các hoạt động này. Dưới đây là những thái độ có thể hủy hoại hết các nỗ lực marketing mà doanh nghiệp nhỏ nên tránh.

1. “Tôi không nên làm tiếp thị”

Khi cảm thấy mình đã có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp thường nghĩ rằng khách hàng sẽ tự tìm đến với mình và marketing sẽ không cần thiết (nhất là các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyên môn). Họ nghĩ rằng kiến thức và kinh nghiệm mới là điều quan trọng nhất và khi có đủ hai yếu tố thì không cần mất thời gian và công sức để tiếp thị.

Thay vì lúc nào cũng “nói không” với các hoạt động marketing, doanh nghiệp nên nhìn các hoạt động tiếp thị dưới một lăng kính lạc quan hơn. Chẳng hạn, khi lên kế hoạch thăm một khách hàng mới để tiếp thị bán hàng, hãy nghĩ đến những hợp đồng có giá trị hoặc những doanh số sẽ tăng vọt trong tương lai.

2. “Tôi không có thời gian để làm tiếp thị”

Suy nghĩ này chỉ đúng trong hai trường hợp: quá bận rộn vì có khách hàng hoặc đang phải thực hiện những nhiệm vụ khác quan trọng hơn.

Nhiều doanh nghiệp cứ tin rằng thực hiện những công việc trong hợp đồng đã ký với các khách hàng hiện tại quan trọng hơn việc thực hiện các chương trình tiếp thị, nhất là khi thời hạn hoàn thành hợp đồng đã gần kề. Nhưng nếu lúc nào cũng đi theo tư duy này, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị kẹt trong một vòng kinh doanh hẹp vì khi hoàn thành xong hợp đồng đã ký, doanh nghiệp có thể không có hợp đồng mới nữa.

Cho dù đang bận rộn với những nhiệm vụ bên trong hay bên ngoài công việc kinh doanh chính của mình, doanh nghiệp vẫn nên dành ra một khoảng thời gian tối thiểu, chẳng hạn hai giờ mỗi tuần, để lo cho các hoạt động tiếp thị. Nếu việc này được làm thường xuyên, liên tục, chắc chắn kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện.

3. “Tiếp thị không có tác dụng”

Các hoạt động marketing không phải lúc nào cũng có tác dụng, nhưng không nên vì vậy mà doanh nghiệp cho rằng sẽ chẳng có ích gì nếu dành thời gian, công sức và tiền bạc cho các nỗ lực tiếp thị. Marketing không có tác dụng có thể do thông điệp tiếp thị không rõ ràng hoặc các chiến thuật marketing đang sử dụng không phù hợp với các khách hàng mục tiêu. Đối với đa số các doanh nghiệp cho rằng marketing không có tác dụng thì vấn đề thật sự là họ không biết cách làm marketing.

Chẳng hạn bình quân doanh nghiệp cần phải có thêm hai khách hàng mỗi tháng để đảm bảo kế hoạch kinh doanh. Giả sử theo tính toán phải mất công để làm thuyết trình bán hàng chi tiết, đưa ra đề xuất, tư vấn cho ba khách hàng tiềm năng thì mới có một khách hàng mới. Như vậy, doanh nghiệp phải làm thuyết trình bán hàng cho ít nhất sáu khách hàng trong một tháng thì các nỗ lực marketing mới có tác dụng.

Quế Lâm (Theo DNSGCT)