Kinh nghiệm marketing: Quảng cáo… không văn hóa

Post date: Dec 29, 2010 8:05:02 AM

Khai trương nhà hàng, trung tâm ngoại ngữ, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới.. tất cả đều có thể chuyển thành tờ rơi bay khắp thành phố. Tại những điểm đông người, nhiều đoạn đường trắng xóa sau “cuộc đổ bộ" của nhóm phát tờ rơi. Chỉ khổ cho những chị lao công!

Chưa bao giờ các doanh nghiệp chuyên làm quảng cáo lại bùng nổ số lượng như hiện nay. Quảng cáo từng bước chuyên nghiệp và phát huy tác dụng cực lớn trong việc tiếp thị sản phẩm tiêu dùng, tiếp thị hình ảnh văn hóa đến với toàn cầu.

Nhưng cũng chưa bao giờ, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo lại nhiều như hiện nay. Sự xuất hiện của đủ cách thức quảng cáo, nghĩ ra cách nào mới áp dụng luôn cách đó khiến các văn bản pháp luật và cả các nhà quản lý luôn phải chạy theo.

Quảng cáo chèn nhau

Khi nhân viên cửa hàng gas đến nhà khách hàng lắp bình gas đầu tiên bao giờ cũng chuyển kèm theo một cuốn sổ theo dõi việc dùng gas. Đồng thời, họ không bao giờ quên dán một mảnh giấy chữ to ghi số điện thoại cần gọi khi hết gas cạnh bếp, nơi dễ nhìn nhất. Điều đó cũng tốt, rất tiện lợi cho gia chủ.

Nhưng rồi có một hôm, chủ nhà bỗng phát hiện một mảnh giấy khác với số điện thoại mới tinh được dán đè lên tấm giấy ghi số điện thoại cũ. Thì ra, có lần chủ nhà cho một nhân viên tiếp thị gas vào nhà. Trong lúc ngó xem vị trí đặt gas, nhân viên này nhanh tay dán đè lên đó một mảnh giấy quảng cáo cho cửa hàng mình. Tình trạng này xảy ra khá nhiều trên địa bàn Hà Nội.

Một kiểu quảng cáo khác cũng chèn lên nhau mà sống, đó là "khoan cắt bê tông". Mỗi sớm mai thức dậy, người Hà Nội lại thấy những bức tường quét vôi vốn sạch sẽ của mình được thay một tấm áo mới. Chẳng hiểu sao một thành phố nhỏ như vậy lại có nhiều cơ sở khoan cắt bê tông thuê đến thế?

Quảng cáo phản cảm

Hình thức quảng cáo này rơi vào thời gian trước. Trong một chương trình ca nhạc của đài truyền hình, khán giả liên tục bị đập vào mắt, vào tai một loại hàng tiêu dùng... chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Không chỉ dừng chương trình để quảng cáo khiến người xem khó chịu mà ngay cả người dẫn chương trình cũng liên tục nhắc đến sản phẩm này, đơn giản chỉ vì nhãn hiệu đó tài trợ cho chương trình. Vậy là người ta đành chấp nhận tiếp thu món ăn tinh thần kèm theo thứ đồ gây phản cảm đó.

Điều bực mình là sản phẩm đó được nhắc đi nhắc lại trong nhiều chương trình liên tiếp với mật độ dày đặc khiến người xem là phụ nữ cũng phải thấy xấu hổ trước đàn ông. Có lần tôi nghe một vị "lãnh đạo" hẳn hoi buột miệng: "Ngày nào cũng phải "điểm tâm" bằng món Sôti...

Quảng cáo làm bẩn đường phố

Đó là tình trạng phát tờ rơi ở khắp mọi nơi. Những cơ sở sản xuất, cửa hàng nhỏ khai trương, trung tâm ngoại ngữ mở lớp học mới, một chương trình du học hay thông báo sản phẩm mới... tất cả đều có thể chuyển thành tờ rơi bay khắp thành phố.

Nhân viên phát tờ rơi không cần quan tâm xem người ta đón nhận tờ rơi ấy bằng thái độ như thế nào, mà chỉ cần phát ra được càng nhiều càng tốt để nhận thù lao. Nhiều đoạn đường phố trắng xóa sau bước chân của nhân viên phát tờ rơi. Chỉ khổ cho những chị lao công.

Quảng cáo cản trở giao thông

Hình ảnh những đoàn xe (xe đạp hoặc xe máy) với những cô gái mặc váy ngắn hoặc đồng phục xuất hiện trên đường phố mang theo một nhãn hiệu hàng hóa nào đó đã trở nên quen thuộc.

Rõ ràng, hình thức quảng cáo này mang lại hiệu quả cao vì chẳng ai đi đường lại bỏ qua hình ảnh ấy. Thế là đương nhiên, đoàn quảng cáo gây sự thu hút, khiến giao thông bị đình trệ, chưa kể đến việc TNGT do khách qua đường cứ hếch mắt lên nhìn. Ai dám đảm bảo những chiếc xe tự tạo đó không gây TNGT vì chẳng có cơ quan nào kiểm định!

Trên đây chỉ là vài chiêu trong hàng trăm cách tiếp thị sản phẩm đến với người tiêu dùng của các nhà quảng cáo. Quy chế xử phạt thì cũng có, nhưng không thể cứ bắt các nhà quản lý văn hóa phải chạy theo mãi như vậy. Văn hóa quảng cáo cần được coi trọng và lẽ tất nhiên, nó phải bắt đầu từ ý tưởng và ý thức của các đơn vị làm dịch vụ quảng cáo   

Khúc Phổ (Theo Công An Nhân Dân)