Kinh nghiệm marketing: Liệu danh tiếng của bạn đã đủ để thu hút khách hàng?

Post date: Dec 27, 2010 9:21:51 AM

Khi một khách hàng quyết định lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của công ty bạn, thì theo bạn, đâu là những yếu tố dẫn đến quyết định lựa chọn ấy: giá cả hấp dẫn, chất lượng vượt trội của sản phẩm/dịch vụ ấy hay chỉ đơn giản là do người tiêu dùng căn cứ vào uy tín của nhãn hiệu cũng như của nhà sản xuất?

Phần lớn các công ty hiện nay đều nhận định rằng, có mối quan hệ khăng khít giữa những yếu tố như giá cả, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và tầm vóc của nhà sản xuất trong nhận thức của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một nghiên cứu về nhận thức của người tiêu dùng trước trách nhiệm với cộng đồng của nhà sản xuất đã cho thấy, khách hàng không bị tác động hoàn toàn trước uy tín của các nhãn hiệu.

Nên hiểu thế nào về “trách nhiệm với cộng đồng và xã hội” của nhà sản xuất?

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất đã phải đương đầu với một vấn đề mới trong quá trình thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nguyên là các “thượng đế” ngày nay rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, các biện pháp hành động trước những vấn đề xã hội nhạy cảm và cả cách hành xử với nhân viên của nhà sản xuất. Những vấn đề này đều là ví dụ điển hình cho thấy trách nhiệm với cộng đồng xã hội của nhà sản xuất. Một khi thực hiện tốt những vấn đề này, xem như công ty bạn đã xây dựng được uy tín xã hội trong mắt khách hàng.

Nghiên cứu về nhận thức của người tiêu dùng về trách nhiệm của nhà sản xuất trước cộng đồng xã hội được các chuyên gia đến từ Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ tiến hành. Cùng với sự phát triển bùng nổ của Internet, các khách hàng dễ dàng tiếp cận với các công ty hơn. Môi trường ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối buộc các công ty phải có những biện pháp hành động cấp bách. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì những vấn đề xã hội ngày càng xuất hiện nhiều. Ba yếu tố trên đã làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến một khái niệm, đó là uy tín xã hội của nhà sản xuất. Khách hàng tin rằng uy tín xã hội của nhà sản xuất chỉ có được khi họ thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Vậy nên định nghĩa “trách nhiệm với cộng đồng xã hội” như thế nào? Bản nghiên cứu trên đã đưa ra một định nghĩa khá phù hợp, đó là: “Trách nhiệm với cộng đồng xã hội có được khi các nhà sản xuất nhận thức và kết hợp các vấn đề môi trường và xã hội vào hoạt động và thói quen kinh doanh của họ, nhằm thoả mãn yêu cầu của những vấn đề đó và ảnh hưởng đến các mối quan hệ với các đối tác”.

Với cách nhìn nhận này, trách nhiệm cộng đồng xã hội của nhà sản xuất không chỉ mang lại giá trị cho bản thân công ty họ và các cổ đông, mà còn tạo nên giá trị to lớn cho xã hội. Mặt khác, khái niệm này còn củng cố và làm rõ ràng hơn những mặt chưa rõ ràng của các khái niệm về doanh thu, thị phần cũng như sự thoả mãn của người tiêu dùng.

Trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất có đóng vai trò quan trọng trong sự lựa chọn của khách hàng hay không?

Với nhận thức ngày càng được nâng cao về trách nhiệm với cộng đồng xã hội, các công ty hiện nay đã không chỉ phải báo cáo về tài chính, doanh thu, họ còn phải báo cáo thêm về những vấn đề bảo vệ môi trường cũng như các biện pháp hành động trước những vấn đề xã hội nhạy cảm khác. Tuy nhiên, liệu có phải bao giờ người tiêu dùng cũng nhìn nhận trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất là quan trọng?

Các nghiên cứu về vấn đề này lại cho thấy những kết quả khác nhau, và điều đó buộc nhóm nghiên cứu phải tiến hành làm việc có chiều sâu hơn, họ bắt đầu xem xét cách nhìn nhận trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất trong con mắt người tiêu dùng, trên cơ sở mới: phân tích sự khác biệt văn hoá của người tiêu dùng. Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng: sự khác biệt văn hoá đã cho thấy một số quan điểm để giải thích được cách hành xử của các khách hàng ngày nay.

Các chuyên gia đã tiến hành thăm dò ý kiến, kinh nghiệm mua sắm của thanh niên tại bốn quốc gia: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Chi-lê và Ac-hen-ti-na, phần lớn trong số họ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Lý do các chuyên gia lựa chọn nhóm đối tượng này là vì trong tương lai, những thanh niên này sẽ trở thành tầng lớp lãnh đạo các công ty và doanh nghiệp. Nghiên cứu quan điểm và cách nhìn nhận của họ lúc này có thể cho thấy được một phần cách suy nghĩ trong tương lai. Hơn nữa, những đối tượng này còn là khách hàng mục tiêu của những mặt hàng, sản phẩm nhắm vào họ như giày thể thao hay chất khử mùi từ cơ thể…

Trong nghiên cứu của mình, các thành viên nhóm nghiên cứu đã nỗ lực để xác định được các đặc trưng cơ bản mà những đối tượng này nhìn nhận về trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, ảnh hưởng của nền văn hoá mỗi quốc gia đến nhận thức của họ, ảnh hưởng của những yếu tố cá nhân trong quyết định lựa chọn, và cuối cùng là việc họ xem xét tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội trong nhà sản xuất như thế nào?

Kết quả cho thấy, nhận thức của những đối tượng này về trách nhiệm xã hội trong hoạt động và thói quen kinh doanh của nhà sản xuất chỉ mang tính trung lập và tương đối. Cách nhìn nhận vềtrách nhiệm của các công ty với cộng đồng xã hội bị chi phối bởi kiến thức, hiểu biết cá nhân cũng như tâm lý, suy nghĩ phóng thoáng ở các mức độ khác nhau của từng nền văn hoá. Những kết quả này thật sự không khả quan bởi vì tầng lớp trẻ, vốn sẽ là thế hệ lãnh đạo và làm chủ trong tương lai, lại có những nhận định và cách suy nghĩ không mấy tích cực về trách nhiệm với xã hội và cộng đồng của các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng nhận thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội của nhà sản xuất như thế nào?

Đối với phần lớn người tiêu dùng, trách nhiệm với cộng đồng xã hội của các nhà sản xuất bao gồm các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái và các hoạt động vì phúc lợi xã hội. Hiểu một cách cụ thể hơn, đó có thể là những khoản đầu tư trong chiến lược nghiên cứu và phát triển nhằm sự cắt giảm tối đa phế phẩm và rác thải độc hại trong sản xuất kinh doanh. Với con người, điều này được thể hiện qua phong cách làm việc và quy chế lao động, không phân biệt đối xử, không vi phạm nhân quyền đối với nhân công, tôn trọng nhân quyền ở những quốc gia nơi công ty mình hoạt động … Trách nhiệm còn được thể hiện ở sự đóng góp thiết thực của mỗi công ty, mỗi tập đoàn vào sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung tại mỗi quốc gia. Bởi vậy, có thể nói, cách nhìn nhận của người tiêu dùng về trách nhiệm của mỗi công ty với cộng đồng xã hội không liên quan đến việc họ đạt lợi nhuận cao như thế nào, hay giá bán hàng hấp dẫn như thế nào.

Nhìn lại quá trình nghiên cứu về cách nhìn nhận của người tiêu dùng trẻ tuổi tại Ac-hen-ti-na, Chi-lê, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, dựa trên sự đối chiếu về những khác biệt văn hoá, chúng ta có thể thấy rõ những nét khác biệt trong việc người tiêu dùng lĩnh hội khái niệm trách nhiệm của nhà sản xuất với cộng đồng xã hội như thế nào. Chẳng hạn như tại Ac-hen-ti-na và Chi-lê, người dân ở đây đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường của nhà sản xuất hơn là tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai quốc gia này xem trọng quy mô hoạt động, cũng như các vấn đề như cơ hội nghề nghiệp của nhà sản xuất. Tuy nhiên, điểm chung duy nhất trong nghiên cứu này, đó là giới trẻ đều thừa nhận vai trò quan trọng của trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội trong việc gây dựng uy tín của nhà sản xuất.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã phân tích một số nét khác biệt chính liên quan đến văn hoá người tiêu dùng: + Tính cá nhân và tính tập thể, + Đặc thù giới tính nam và nữ, + Tâm lý e ngại rủi ro khi mua sắm ở mức độ cao thấp khác nhau.

- Tâm lý e ngại rủi ro khi mua sắm một phần nào đó chi phối quyết định của người tiêu dùng và cách nhận thức của họ về trách nhiệm cộng đồng xã hội của nhà sản xuất. Nghiên cứu nhận định rằng, có tồn tại mối quan hệ khăng khít giữa tâm lý ghét bỏ, không thích nhãn hiệu hay nhà sản xuất, với việc khách hàng lưỡng lự, thậm chí bỏ qua sản phẩm và dịch vụ của nhà sản xuất đó. Người tiêu dùng còn có xu hướng phán xét hoặc đánh giá trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất chỉ thông qua sự chú ý bên ngoài, hoặc suy xét các yếu tố xã hội khác. Ở khía cạnh này, thì người tiêu dùng tại Achentina và Chi Lê có tâm lý e ngại rủi ro trong khi mua sắm cao nhất.

- Một yếu tố nữa được các chuyên gia xem xét và phân tích, đó là đặc thù giới tính giữa phái nam và phái nữ trong xã hội con người. Các khách hàng nam giới vốn đặt nặng những vấn đề liên quan đến sự giàu có, đời sống vật chất và thành công cá nhân, nên không mấy quan tâm hoặc có nhận thức khá thấp về trách nhiệm xã hội và cộng đồng của nhà sản xuất. Còn với các quý bà thì bao giờ họ cũng nhấn mạnh đến việc các công ty đang đối xử với nhân viên thế nào, giúp đỡ mọi người trong xã hội ra sao và bảo vệ môi trường tốt hay chưa tốt. Nếu có cơ hội tiếp cận với nữ giới tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bạn sẽ thấy rõ điều này.

- Tính cá nhân và tính tập thể thật ra không chi phối nhận thức của người tiêu dùng quá nhiều. Người có tính cá nhân cao được giải thích là những người thường hành động theo xu hướng độc lập, có chính kiến, nhiều khi quên cả vai trò của mình trong đội nhóm. Tính tập thể được thể hiện ở việc cá nhân thích nghi với đội, nhóm như thế nào. Giới trẻ tại Tây Ban Nha được đánh giá là có tính độc lập cá nhân cao nhất.

Ngoài ra, các thành viên trong nhóm nghiên cứu cũng đã có những phát hiện thú vị khác. Chẳng hạn như quan điểm và cách suy nghĩ của người tiêu dùng tại Ac-hen-ti-na, Chi-lê và các nước Mỹ La Tinh phóng thoáng hơn hẳn so với người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Châu Âu khác.

Như vậy, rõ ràng là nhận thức của khách hàng về trách nhiệm của nhà sản xuất với cộng đồng xã hội ở mỗi nơi một khác nhau, tuy nhiên điều quan trọng là các công ty và tập đoàn không thể bỏ qua vấn đề này, vì nó góp phần xây dựng và nâng cao uy tín của họ. Những hành động để chứng tỏ được trách nhiệm của nhà sản xuất với cộng đồng xã hội được thể hiện qua các hoạt động xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó còn là văn hoá ứng xử với nhân viên và với xã hội bên ngoài. Do cách nhìn nhận của khách hàng tại mỗi nơi khác nhau, nên cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về quan điểm, văn hoá người tiêu dùng tại mỗi nơi để có cách “lấy lòng” ngay cả những “thượng đế” khó tính nhất.

Quế Lâm (Theo Bwportal)