Kinh nghiệm bán hàng: Cách chọn đối tác làm ăn

Post date: Nov 23, 2010 4:17:14 AM

Bất kỳ một doanh nhân nào cũng cần có đối tác làm ăn. Hai từ “đối tác” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, song chọn đối tác như thế nào để đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển mà không xâm phạm đến “lãnh thổ” của nhau?

Có một nguyên tắc sống không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn rất hữu hiệu khi áp dụng trong kinh doanh: Hãy tôn trọng lẫn nhau trong mọi sở thích và ý tưởng, cùng thư giãn và luôn “chơi đẹp”với đối phương. Làm việc trên tiêu chí “đôi bạn cùng tiến” và không xâm phạm đến quyền lợi của nhau. 

Chọn đối tác thế nào?

Lựa chọn khôn ngoan

Bạn có dám khẳng định rằng mình nhất định phải có đối tác trong lần gặp đầu tiên hay không? Nếu không có anh ta, công ty của bạn sẽ phá sản ngay sao? Câu trả lời là không, vậy thì “cứ từ từ”. Chọn đối tác làm ăn cũng tựa như chọn bạn. Bạn căn bản là không cần đến một cái gương, một người giống mình như đúc, từ ý tưởng kinh doanh đến cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, tình trạng tài chính, tầm kiến thức,…

Hãy khôn ngoan chọn một người dám nói lên những điều còn chưa tốt của bạn, dám đưa ra những ý kiến riêng để cải thiện tình hình. Điều quan trọng đó là bạn và người ấy phải ngồi cùng thuyền và có những tầm nhìn chiến lược về cùng một phía. Và chỉ có thời gian và sự khôn ngoan của bạn mới có thể xác định được ai là người xứng đáng làm Gia Cát Lượng cho bạn.

Chấp nhận lùi để tiến

Trong quan hệ với đối tác, đừng nghĩ rằng lúc nào bạn cũng phải thắng, phải ra uy được với họ. Nên nhớ rằng bạn và họ đang bình đẳng, và đôi khi, trong cuộc tranh luận hay cuộc họp, bạn có thể sai và hãy chấp nhận sự đúng đắn của họ. Tinh thần cầu thị và ý thức sửa mình của bạn có lợi chứ không có hại.

Nếu đối tác chứng minh được rằng hướng đi của họ đúng đắn, tại sao bạn không chấp nhận làm theo, thậm chí hy sinh cả quyền lợi của mình. Như thế gọi là  “lùi một bước để tiến hai bước” đấy.

Từ đồng ý đến phản đối

Ambuel và Clark - chủ tịch tập đoàn của công ty chuyên cung cấp máy rút tiền tự động - chưa bao giờ lo lắng về việc họ bất đồng quan điểm cả. Hai ông cho rằng nếu sau khi đã tranh cãi rất gay gắt mà vẫn không đi đến kết luận, bên này vẫn không thể khiến bên kia “tâm phục khẩu phục” thì tốt nhất là không nên tiếp tục thực hiện dự án hay ý tưởng kinh doanh đó nữa. Đó chính là cách giải quyết tốt nhất.

Thế giới này rất rộng lớn và cơ hội thì không bao giờ là hết với những cái đầu nhạy cảm và giàu sáng tạo cả. Thế nên chả tội gì phải mất đi người bạn mà bạn đã mất công tìm kiếm bao lâu chỉ vì một dự án còn nhiều nút rối.

Thanh Thanh (Theo InC/LantaBrand)