Kinh nghiệm mở cửa hàng mua bán và sửa chữa điện thoại

Post date: Oct 25, 2017 6:44:06 AM

“Bỏ túi” ngay 5 bước mở CỬA HÀNG SỬA CHỮA ĐIỆN THOẠI

Trên thế giới nghề sửa chữa điện thoại đã được Nhà xuất bản Macmillan đánh giá là một trong 100 nghề đắt giá nhất thế kỷ 21. Tại Việt Nam, ngành nghề này cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Trong thời buổi công nghệ điện thoại là vật “bất ly thân” nên nhu cầu mua mới hay thay, “độ” điện thoại tăng cao giúp ngành này càng lớn mạnh.

Vậy để mở cửa hàng sửa chữa điện thoại bạn cần chuẩn bị những gì?

Song song với sự phát triển đa dạng của thị trường điện thoại di động thì sửa chữa điện thoại hiện đang được xem là tiêu chí lựa chọn nghề hàng đầu đối với các bạn trẻ. Đây là loại hình kinh doanh với chi phí đầu tư ban đầu không quá cao mà lợi nhuận thu về nhanh nếu có những người “thợ lành nghề”.

1. Nguồn vốn

Việc đầu tư vốn cho việc mở cửa hàng sửa chữa điện thoại di động ban đầu là không quá cao đối với những người có mức thu nhập trung bình hàng tháng trên 7 triệu đồng. Bạn chỉ cần có 50 - 80 triệu đồng trong tay là đã có thể mở một cửa hàng với quy mô nhỏ. Người kinh doanh không chuẩn bị quá nhiều cho chi phí mua các dòng điện thoại mà tập trung vào việc mua các thiết bị máy móc, linh kiện trong mỗi thương hiệu điện thoại.

Những nguồn vốn cần chuẩn bị trước khi mở cửa hàng:

- Thứ nhất, chi phí cho mặt bằng, về địa điểm bán hàng bạn cần xác định quy mô cửa hàng nhỏ, vừa hay lớn. Đối với những người mới tập tành việc kinh doanh thì nên chọn diện tích cửa hàng nhỏ (trước hết để lấy uy tín, thiết lập được một nhóm khách hàng thân thiết và sau đó mới từ từ mở rộng).

Việc đầu tư vốn mặt bằng cửa hàng sửa chữa điện thoại cần khoảng 15-25 triệu. Với diện tích khoảng 25m2. Đây là con số không quá lớn với người mới kinh doanh. Và quan trọng hơn hết khách hàng của ngành nghề này chỉ quan tâm đến tay nghề, trình độ sửa chữa của bạn chứ không hẳn là cửa hàng sang trọng, thu hút (mặc dù đây là yếu tố cần) nhưng không phải là quan trọng nhất. Họ đến đây với mong muốn: “Tới đây sẽ có những kỹ thuật viên lành nghề, có chuyên môn cao sẽ sửa được điện thoại cho tôi và khắc phục được những lỗi hư hỏng của điện thoại tôi đang dùng”.

- Thứ hai, vốn mua sản phẩm (máy móc, kệ tủ, linh kiện điện thoại,...) với những thiết bị này bạn cần chuẩn bị từ 30-40 triệu. Mức giá trên sẽ tăng nếu chủ cửa hàng đầu tư vào vật liệu cao cấp hơn (sử dụng mica trong, ánh sáng tốt, máy móc hiện đại...) hoặc có thể giảm đi nếu bạn sử dụng vật liệu bình dân hơn. Ngoài ra, chủ cửa hàng nên để riêng một phần chi phí kinh doanh thêm các loại phụ kiện điện thoại (ốp lưng, bao da, tai nghe,...) để đáp ứng ngay nhu cầu của khách khi cần.

- Thứ ba, chi phí nhân viên. Mức lương trung bình của những kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động tại các cửa hàng thấp nhất là từ 4 – 5 triệu cho người mới, còn mang những thợ với tay nghề và kinh nghiệm thì mức lương từ 6 – 7 triệu. Chủ cửa hàng cần cân nhắc và tính toán chính xác số vốn dành cho lương nhân viên sửa điện thoại.

Về vốn đầu tư cho cửa hàng sửa chữa điện thoại phụ thuộc nhiều vào công năng và yêu cầu của chủ đầu tư và cần có mô tả chi tiết thì sẽ hạch toán chính xác hơn.

2. Địa điểm cửa hàng

Chủ cửa hàng cần đi khảo sát nhiều khu vực như khu dân cư, trường học, các quận trung tâm,... để đưa ra quyết định hợp lý nhất về địa điểm “đặt” cửa hàng sửa chữa điện thoại. Việc chọn nơi mở tiệm cần chú trọng đến độ tuổi khách hàng mà bạn hướng đến (học sinh, sinh viên, người lao động, nhân viên văn phòng,...). Từ đó mới chọn địa điểm tập trung đối tượng khách hàng đó.

Dù chọn mở cửa hàng ở địa điểm nào thì bạn nên chú trọng đến đối tượng khách hàng từ 20-45 tuổi vì đây là độ tuổi dùng điện thoại di động nhiều nhất và có khả năng chi trả cho việc sửa chữa.

Bên cạnh đó, chủ cửa hàng cũng nên tìm một vị trí cho mình tại những con phố tập trung các cửa hàng chuyên buôn bán, sửa chữa các thiết bị di dộng. Dù rằng ở đây mức cạnh tranh rất cao nhưng đồng thời sẽ là nơi mà lưu lượng khách hàng thường xuyên.

3. Nguồn nhân lực

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc mở cửa hàng sửa chữa điện thoại trước hết bạn phải là người biết và hiểu về việc sửa chữa (điều này sẽ là điểm cộng cho việc tuyển nhân viên). Ưu điểm của nghề sửa chữa điện thoại di động là không đòi hỏi trình độ học vấn cao và thu nhập tương đối ổn định, nên việc tuyển dụng không quá khó khăn.

Bạn nên phân loại và chọn lựa thợ sửa chữa dựa trên các chuyên ngành như mở mạng, giải mã điện thoại, cài đặt phần mềm hoặc sửa chữa phần cứng... nên lựa chọn những người có tay nghề và đã có kinh nghiệm việc sửa chữa (tránh mất công đào tạo và việc xảy ra lỗi với khách hàng trong quá trình làm việc).

Chủ cửa hàng nên quán triệt với nhân viên việc tiếp nhận đúng – đủ yêu cầu của khách về lỗi sản phẩm để việc sửa chữa thuận lợi và chính xác hơn. Ví dụ: khi khách đến yêu cầu thay màn hình điện thoại thợ sửa chữa cần lắng nghe sau đó kiểm tra điện thoại luôn cho khách xem có bị lỗi về phần nào nữa hay không?

Điều này nhằm tư vấn đầy đủ tình trạng hiện tại của sản phẩm khách mang đến. Khách hàng sẽ nắm rõ và xem xét có thêm nhu cầu sửa chữa hay không?.

4. Quảng cáo trên các diễn đàn, mạng xã hội

Bill Gates từng nói “Trong vòng 5-10 năm nữa nếu bạn không kinh doanh trên Internet thì tốt nhất đừng bao giờ kinh doanh nữa”, đây thực sự là một kênh bán hàng tiết kiệm và hiệu quả mà chủ cửa hàng nên tận dụng.

Hãy lên kế hoạch tiêp cận khách hàng tiềm năng, quảng bá việc sửa chữa (bằng các video) điện thoại của bạn thông qua các kênh mạng xã hội phổ biến hoặc qua Website bán hàng uy tín: Chotot, Lazada, Tiki, Adayroi, Sendo, Shopee,...

Bên cạnh đó, quảng cáo offline cũng là phương pháp tăng sự thu hút với khách hàng. Bạn hãy nhờ người thân, bạn bè chia sẻ thông tin về cửa hàng của mình để nhằm tạo được một lượng khách ổn định. Ngoài ra, có thể in ấn một số tờ rơi để phát cho người dân xung quanh, trường học, khu dân cư,...

Việc triển khai một số chính sách ưu đãi, khuyến mãi ngày đầu kinh doanh cũng là phương pháp hút khách hiệu quả. Bạn có thể triển khai: giảm 100% chi phí sửa chữa cho 10 khách hàng đầu tiên, tặng phiếu giảm giá khi giới thiệu khách hàng,... Mở cửa hàng sửa chữa điện thoại có suôn sẻ và có lượng khách ổn định hay không cũng một phần chịu ảnh hưởng bởi bước này.

5. Phần mềm quản lý bán hàng và bảo hành

Đối với những sản phẩm trong cửa hàng sửa chữa điện thoại chủ yếu là những linh kiện rất nhỏ như: Ốc, vít, thẻ nhớ, pin,... nên dễ xảy ra tình trạng thất thoát gây khó khăn trong việc quản lý. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay chính là dùng phần mềm quản lý bán hàng và bảo hảnh Bởi những lý do sau:

- Phần mềm có tiện ích quản lý kho: Hỗ trợ quản lý nhập kho, xuất kho, tồn kho bất kỳ thời điểm nào. Công tác kiểm kho cũng được thực hiện nhanh chóng và tiết kiệm thời gian hơn chỉ với một cú nhấp chuột được tích hợp với các máy quét mã vạch,…

- Quản lý bán hàng: Các hoạt động nhập kho, xuất kho, công nợ nhà cung cấp, công nợ khách hàng, hàng trả nhà sản xuất do nhập lỗi, không đúng chất lượng hay hàng khách trả do hết hạn, lỗi,… đều được quản lý chặt chẽ thông qua phần mềm.

- Quản lý bảo hành và sửa chữa: quản lý được số imei/seri các mặt hàng ngoài những mặt hàng mình bán để bảo hành hoặc sửa chữa, quản lý được nhân viên kỹ thuật bảo hành cái gì, khách tên gì và bảo hành đồ gì,.....

- Lưu giữ thông tin khách hàng: Nắm bắt được số lượng khách, tăng giảm như thế nào qua từng thời điểm, biết được nhóm khách hàng ổn định, nhắn tin đến họ khi cửa hàng có chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt,... Đây là một trong những bước quan trọng để mở cửa hàng sửa chữa điện thoại thành công và hút khách.

Cảm ơn các bạn chúc các bạn thành công!