Ứng dụng mã vạch: - Mô hình 1 - Ứng dụng mã vạch trong sản xuất hàng hoá hay buôn bán lẻ

Như đã nói, các ký hiệu mã vạch mà các bạn đã thấy trên các sản phẩm, dù nhỏ như 1 thanh kẹo cao su, hay lớn như một kiện hàng tồn kho, sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng không có công nghệ và ứng dụng đi kèm. Ở Việt Nam, khi hỏi về mã vạch thì đa số ai ai cũng chỉ nghĩ đến ...... "siêu thị" hoặc các cửa hàng sách vì ở các nơi đó, các ký hiệu mã vạch được trông thấy rõ nhất. Nhưng cũng ít có người hiểu được rằng, chỉ vì "cái mẫu sọc" nhỏ xíu đó mà cả một công nghệ ứng dụng được phát triển nhằm mục đích không chỉ dùng mã vạch để quản lý hàng hoá tiêu dùng, mà còn có thể dùng nó cho nhiều mục đích khác nhau như quản lý động sản, bất động sản và quản lý cả con người.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, đưa công nghệ quản lý tự động vào doanh nghiệp sẽ góp phần:

1. Nâng cao hiệu suất công việc.

2. Giảm thiểu thời gian quản lý theo kiểu thủ công.

3. Tăng cường độ chính xác và do đó giảm tiêu cực trong quản lý.

4. Nâng cao tầm vóc của công ty.

Các bạn là nhà doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ các bạn cũng có thể tìm thấy một mô hình thích hợp nhất đối với công ty của mình. Vì vậy, ở đây tôi xin được giới thiệu một số mô hình ứng dụng tiêu biểu.

Mô hình I: Ứng dụng mã vạch trong sản xuất hàng hoá hay buôn bán lẻ

Với một chiếc máy in nhãn cỡ nhỏ hoặc trung, 1 máy quét barcode cầm tay và 1 phần mềm in nhãn là bạn có thể làm cho hàng hoá của mình được lưu thông hợp pháp trên thị trường, trưng bày chúng trong các cửa hàng hay siêu thị và nhanh chóng tính tiền bằng một phần mềm có sẵn như Excel chẳng hạn. Công nghệ này rất đơn giản và chi phí cũng rất thấp mà bạn hoàn toàn có thể trang bị, quản lý và điều khiển chúng 1 cách dễ dàng.

==> Từ phần mềm in nhãn, in barcode rất dễ sử dụng được thiết kế để in đươc nhiều loại barcode khác nhau, phối hợp tốt với máy in nhãn chuyên nghiệp. 

==> Máy in nhãn chuyên nghiệp với tốc độ in gấp 4 lần máy in laser, khả năng in vài nghìn nhãn barcode/ngày bằng giấy cuộn mới có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá. 

==> Sản phẩm có thể được dán tem barcode ngay từ nơi sản xuất hoặc ngay sau khi được trưng bày trên các kệ hàng. 

==> Tem barcode sau khi in có thể lột ra và dán lên sản phẩm dễ dàng.

Thật đơn giản phải không các bạn? Chỉ cần 1 phần mềm in nhãn cài vào máy tính có cấu hình ... hơi thấp 1 chút cũng được, một máy in nhãn loại trung bình là bạn có thể sản xuất ra đủ loại nhãn mã vạch với công suất độ vài chục nghìn nhãn/ngày mà máy vẫn "không hề hấn gì". Nếu bạn cảm thấy rằng chi phí này vẫn còn cao và nhu cầu in nhãn với số lượng không lớn lắm thì bạn có thể trang bị một loại máy in nhãn "compact" nhỏ gọn như hình bên cạnh:

Với 1 máy in như thế này bạn có thể yên tâm sản xuất ra vài nghìn nhãn mỗi ngày. Không chỉ nhãn barcode mà còn là tất cả các loại nhãn khác, kể cả in vé. Kích thước và giá thành của loại máy in "compact" như thế này chỉ bằng khoảng phân nửa so với 1 máy in nhãn loại trung. Nhưng nếu bạn có được 1 máy in nhãn loại trung thì ngoài chất liệu giấy ra, máy còn có thể in được 1 số chất liệu khác như giấy bạc, giấy nhôm, da mỏng, giấy nhựa tổng hợp, film, plastic, v.v... Bạn nên hỏi người bán để biết rõ tính năng của từng loại máy.

Khi bạn mua một máy in nhãn thì người cung cấp máy có nhiệm vụ cung cấp cho bạn Driver và phần mềm in nhãn miễn phí, cũng như hướng dẫn cách sử dụng máy in và phần mềm in nhãn. Hoặc nếu không có yêu cầu gì đặc biệt, bạn cũng có thể dùng CorelDraw để in nhãn và chạy Barcode Wizard để tạo barcode cho nhãn (chứ không phải dùng Corel để "vẽ" barcode!).

Còn nếu như bạn vẫn còn ngần ngại vì nhiều lý do không thể đầu tư vào công nghệ này được, nhưng hàng hoá, sản phẩm của bạn buộc lòng phải có mã vạch, thì bạn chỉ còn có cách là phải nhờ đến một đơn vị thứ 3 để in gia công mã vạch hàng hoá. Đó chính là các công ty chuyên in gia công nhãn sản phẩm, nhãn mã vạch, bao bì, v.v... Đến với các công ty này, chúng ta có thể thấy rõ mã vạch được in bằng các công nghệ in như thế nào. Không chỉ bằng máy in barcode mà người ta còn in bằng các loại máy in công nghiệp khác như Flexo, Offset và lẽ dĩ nhiên đầu tư cho các loại máy in này không phải là 1 mô hình thích hợp đối với các cơ sở sản xuất hàng hoá nhỏ và vừa.

Sau khi đã có được các nhãn barcode, một vấn đề cũng rất quan trọng là bạn cần phải kiểm tra lại xem tính chính xác của các ký hiệu mã vạch mà bạn đã mã hoá. Tức là các ký hiệu mã vạch khi in ra có mã hoá đúng với các mã số ban đầu hay không. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng máy quét mã vạch (barcode scanner).

Cách sử dụng loại scanner này rất đơn giản, bạn chỉ việc nối dây cáp của nó vào máy tính như hướng dẫn trên hình vẽ, sau đó mở 1 chương trình văn bản hoặc bảng tính thông dụng như Notepad, Word hay Exel và cầm máy quét hướng cửa sổ quét về phía mã vạch sao cho tia laser đỏ cắt ngang qua toàn bộ bề ngang của mã vạch. Nếu máy đọc được, một tiếng "bíp" sẽ báo hiệu và dữ liệu sẽ được đưa vào phần mềm đang mở trên máy vi tính. Dữ liệu này chính là mã số ban đầu mà ký hiệu mã vạch đã mã hoá.

Như vậy với mô hình 1, bạn có thể hiểu được một cách tổng quát cách thức tạo ra các tem mã vạch như thế nào, cách dùng scanner để kiểm tra mã vạch ra sao và điều quan trọng là đầu tư cho công nghệ này thích hợp cho các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, chi phí không cao và hoàn toàn nằm trong khả năng hiểu biết và quản lý của bất kỳ 1 công ty nào có nhu cầu sử dụng tem mã vạch.

Theo Blog Mã Vạch