Ứng dụng mã số mã vạch: Thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp

Trong xu thế phát triển của nền kinh tế, việc tạo lập một hệ thống mã số, mã vạch đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Hơn thế, thiết lập một mạng lưới mã số, mã vạch chung và đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ là yếu tố góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc hội nhập thương mại toàn cầu 

Từ năm 1995, thấy rõ lợi ích của công nghệ mã số mã vạch (MSMV), đồng thời để đáp ứng nhu cầu của một số doanh nghiệp cần sử dụng mã số mã vạch trên sản phẩm xuất khuẩu theo yêu cầu của bạn hàng nước ngoài, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (EAN International) nhằm đưa công nghệ mã số mã vạch vào ứng dụng ở nước ta. Từ đó đến nay, công nghệ mã số mã vạch EAN đã được áp dụng và mang lại những kết quả thiết thực và ngày càng được quan tâm. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mã số mã vạch ở Việt Nam và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động MSMV, ngày 27/3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 45/2002/QĐ - TTg trong đó qui định nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động MSMV và giao cho Bộ KH&CN là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động MSMV.

Đánh giá về kết quả 12 năm ứng dụng mã số mã vạch vào nước ta, ông Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng, cho biết, số doanh nghiệp sử dụng MSMV ở Việt Nam đang phát triển một cách vượt bậc, được các bạn quốc tế và khu vực đánh giá cao. Việc đăng ký mã số mã vạch là do các doanh nghiệp tự nguyện. Song, nhận thấy lợi ích từ sự tiện lợi, nhanh gọn, số doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch đang tăng lên nhanh chóng. Thông tin từ TCĐLCL, tính đến 2007, Tổng cục đã cấp gần 7.000 mã doanh nghiệp; hơn 200 mã rút gọn (EAN 8); đăng ký sử dụng hơn 2300 mã địa điểm vào mạng Mạng toàn cầu đăng ký điện tử thông tin về các cơ sở sử dụng MSMV (viết tắt tiếng Anh là GEPIR- Global Electronic Party Information Registry); cấp 111 giấy phép sử dụng mã nước ngoài; làm thủ tục cho 18 doanh nghiệp xin cấp mã UPC để xuất khẩu. Đặc biệt hai năm gần dây, trung bình mỗi năm số cơ sở đăng ký mới tăng khoảng hơn 1000 cơ sở/năm. Điều đó cũng có nghĩa, hàng triệu mặt hàng được nhận diện bằng máy đọc mã số mã vạch, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người dân trong việc mua bán.